By admin
Thủ tướng Phạm Minh Chính – Khai thông cho 1 triệu căn nhà ở xã hội
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng đề án xây ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay tới năm 2030 và yêu cầu các bộ, ngành cần có giải pháp rút ngắn thủ tục, khuyến khích hấp dẫn để hút doanh nghiệp tham gia.
Thông điệp trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người thu nhập thấp vào hôm qua 1.8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị – Ảnh: Nhật Bắc
Doanh nghiệp lớn đăng ký sẽ vượt mục tiêu
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhìn nhận việc phát triển cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cũng như yêu cầu đặt ra, do đó, việc phát triển cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Các DN đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Nhắc tới nguyên nhân của việc “chưa đáp ứng được nhu cầu”, điều đầu tiên được tư lệnh ngành xây dựng kể tới là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại. Ông dẫn chứng như dự án được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện… “Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp (DN)”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận và nói thêm các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư (CĐT) dự án, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích CĐT.
Chính phủ và các doanh nghiệp quyết tâm hướng tới mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội – Ảnh: Nhật Thịnh
Ở một số quốc gia tương đồng với VN như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, hầu hết các nước đều phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công hoặc giao cho DN nhà nước đầu tư hoặc có các chính sách hỗ trợ CĐT hoặc người dân thuê, mua. Từ đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi luật Nhà ở 2014 đồng bộ với các luật Đất đai, Đấu thầu, Thuế… trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển; việc lựa chọn CĐT dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị để Bộ Xây dựng lập, trình Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022 – 2030. Cùng với đó, Thủ tướng giao quy hoạch, định hướng các tập đoàn, DN kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư phát triển.
Ngay tại hội nghị, đại diện các DN lớn đã bày tỏ sẵn sàng chung tay để thực hiện đề án này. Lãnh đạo Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex (Bình Dương) cho hay đến nay DN đã xây dựng 64.000 căn hoàn thiện với mỗi căn hộ tối thiểu khoảng 30 m² và đang có kế hoạch để có thể xây dựng thêm 120.000 căn hộ. Theo đề án, nhà ở công nhân đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, Becamex sẽ dành 105 ha để tiếp tục xây dựng nhà ở công nhân. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam, cũng bày tỏ cam kết sẵn sàng đăng ký tham gia xây dựng 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Tương tự, đại diện Bitexco, Vinhomes, Sungroup đều thể hiện sự sẵn sàng được tham gia chương trình này và mong muốn nhà nước có những tháo gỡ về thủ tục cho DN.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho hay từ chiều hôm trước đến gần hết hội nghị, các DN lớn đã đăng ký thực hiện tới 1,28 triệu căn hộ. “Thành công này sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân”, Phó thủ tướng nói.
“DN đã nói là phải làm”
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các DN nên đã hoàn thành hàng trăm dự án, nhà ở công nhân với 7,8 triệu m², giúp hàng chục vạn gia đình thu nhập thấp và hàng chục vạn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục sớm nhất có thể.
Đó là cơ chế, chính sách phát triển, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, như về đối tượng tham gia, thụ hưởng; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua – bán. Việc thực hiện các chính sách ưu đãi phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài, không gian sáng tạo, phát triển còn chật hẹp so với yêu cầu; chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý để phát triển, các chính sách ưu đãi cho CĐT dự án, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, sát thực tế, không thu hút, khuyến khích CĐT…
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định phát triển, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của quản lý nhà nước, của DN…
“Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng khẳng định.
Nêu rõ mục tiêu phát triển phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này. “Để xây dựng và triển khai đề án này, chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải báo cáo trước ngày 15.8 về các dự án đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể”, Thủ tướng yêu cầu.
Đối với DN, Thủ tướng lưu ý: “Các DN đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin”.
Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho các chuyên gia; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu nhà trọ theo định hướng trên; trước hết là các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, nghiên cứu việc quy định một đầu mối quản lý thống nhất ở các địa phương về vấn đề này. Nghiên cứu việc bố trí quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các DN có động lực, cảm xúc, cảm hứng để phát triển. Thủ tướng yêu cầu sớm lập, phê duyệt và công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng độc lập phải lựa chọn CĐT theo hình thức đấu thầu để các DN quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
“Cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các DN, nhất là các DN lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng dự án”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng cho hay về kết quả đầu tư phát triển dự án, nhà ở công nhân, tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, có tổng diện tích hơn 7,79 triệu m². Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m².
Nguồn: thanhnien