TANI BUILDINGTANI BUILDING

By admin

Nhà ở xã hội TP HCM tăng giá gấp đôi trong 5 năm

Nhà ở xã hội TP HCM tăng giá gấp đôi trong 5 năm

Sau nửa thập niên ra mắt thị trường với mốc 13,8-18 triệu đồng một m2, nay các căn hộ nhà ở xã hội được chào bán 29-30 triệu đồng.

Khảo sát của VnExpress cho thấy, nhiều dự án nhà ở xã hội cao tầng tại TP HCM đã hoàn thiện bàn giao nhà đều tăng giá mạnh so với giai đoạn đầu công bố mở bán ra thị trường.

Một dự án nhà ở xã hội tại khu Bình Trưng Đông (quận 2 cũ nay thuộc TP Thủ Đức) quy mô 260 căn trong đó 80% sản phẩm là nhà ở xã hội, còn lại là căn hộ thuộc diện nhà ở thương mại, năm 2017 công bố và mở bán có giá từ 18 đến 22 triệu đồng một m2. Sau khi khánh thành hồi cuối tháng 8, giá bán căn hộ trên thị trường thứ cấp của dự án này hiện lên 30 triệu đồng một m2, tăng gần 1,7 lần sau 5 năm.

Ở quận 12, TP HCM, một dự án nhà ở xã hội tọa lạc trên đường Phan Văn Hớn, hồi năm 2016 có giá bán khoảng 13,8 triệu đồng một m2, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%, rẻ hơn 20% so với căn hộ thương mại cùng dự án. Hiện nay căn hộ dự án này được chào giá 29 triệu đồng một m2 trên thị trường thứ cấp. Sau hơn 5 năm, giá bán nhà ở xã hội tại dự án này tăng 2,1 lần.

Còn dự án nhà ở xã hội trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8 bàn giao nhà quý III/2020, đến nay giá bán trên thị trường thứ cấp thấp nhất ghi nhận 32 triệu đồng một m2, tăng gấp 2,1 lần so với cách đây nửa thập niên (bán giá 14,9 triệu đồng một m2).

Ngay cả nhà ở xã hội cho thuê cũng tăng giá sau nhiều năm bàn giao đưa vào sử dụng. Tại một dự án nhà ở xã hội cho thuê 49 năm trên địa bàn quận Bình Tân, TP HCM, thời điểm năm 2017, giá sơ cấp 14 triệu đồng một m2 hiện nay được sang nhượng trên thị trường thứ cấp 18-19,3 triệu đồng, tăng khoảng 1,3 lần so với thời gian đầu mở bán.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM công bố quý II/2022, từ năm 2020 đến giữa năm 2022, giá bán sơ cấp các căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội dao động 14-20 triệu đồng một m2. Tuy nhiên, giá bán sơ cấp lẫn thứ cấp nhà ở xã hội thực tế trên địa bàn hiện nay đều đã thiết lập mặt bằng giá mới.

Nói với VnExpress, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, nhà ở xã hội là loại căn hộ thuộc phân khúc thấp nhất thị trường hiện nay. Khi giá đất có biến động mạnh, giá căn hộ thương mại trên thị trường sơ cấp bị đẩy lên quá cao đã làm cho phân khúc căn hộ nhà ở xã hội trở thành vùng trũng, khó tránh khỏi hiện tượng lập mặt bằng giá mới trên thị trường thứ cấp.

“Việc các tài sản có giá mua đi bán lại tăng lên theo thời gian do trượt giá là diễn biến bình thường và căn hộ nhà ở xã hội cũng không ngoại lệ”, ông Quang nói.

Ông Quang phân tích, giá đất tăng 2 lần so với cách đây 4-5 năm, giá xây dựng tăng 50%, nên giá thành khoảng 17-18 triệu đồng xây theo chuẩn kế hoạch 12 tháng, giá thấp nhất cũng lên tới 22-25 triệu đồng một m2. Mặc dù nhà ở xã hội được ưu tiên miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho người mua (5% trong khi nhà ở thương mại mức thuế này là 10%) và các chủ đầu tư bị giới hạn biên lợi nhuận không quá 10%, đầu vào phát triển phân khúc nhà giá thấp này khó có thể giữ mãi mức giá cũ cách đây nửa thập niên.

Theo ông Quang, nếu nhà ở xã hội đơn lẻ (tách biệt hoàn toàn so với nhà ở thương mại) thì giá thành hiện nay có thể phải điều chỉnh lên mốc 22-25 triệu đồng một m2 trong giai đoạn từ sau năm 2022 trở đi. Còn nếu nhà ở xã hội bố trí chung với nhà ở thương mại (giá bán trên 40 triệu đồng một m2) thì nhà xã hội có thể vọt lên giá sơ cấp 25-30 triệu đồng một m2.

CEO Việt An Hòa cho hay, bản thân rổ hàng nhà ở xã hội cũng bị thiếu hụt nguồn cung (xây dựng chậm và số lượng sản phẩm chưa đủ đáp ứng nhu cầu). Sự khan hiếm hàng hóa thành phẩm (đã hoàn thiện hoặc đã bàn giao) cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các dự án nhà ở xã hội đã về đích xảy ra hiện tượng tăng giá gấp đôi sau nửa thập niên.

Mặt khác nhà ở xã hội cũng có nhiều loại, các tiêu chuẩn nhà dành cho công nhân sẽ xây dựng rẻ hơn ( tầng cao thấp, gác lửng) nên giá thấp hơn. Còn nhà ở xã hội mở rộng cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… do xây cao tầng với kết cấu kiên cố hơn nên giá thành cũng cao hơn.

Còn theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), căn hộ nhà ở xã hội vẫn đang thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu rất lớn của đại đa số người có thu nhập thấp trong đô thị. HoREA cho hay, hiện có rất nhiều dự án chưa thể triển khai do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, tiến độ thực hiện chậm, thậm chí không thực hiện được.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cảnh báo TP HCM đang xảy ra khá phổ biến tình trạng một số dự án thuộc diện là quỹ đất 20% xây nhà xã hội trong các dự án nhà ở thương mại thuộc phân khúc cao cấp, do chi phí giá đất quá cao không phù hợp xây dựng nhà giá rẻ. Theo đó, thành phẩm nhà ở xã hội tại các dự án cao cấp đang lên đến 45-60 triệu đồng một m2, vượt khả năng chi trả của người có thu nhập thấp cần mua nhà ở xã hội.

Vì vậy, ông Châu cho rằng cần mở cơ chế cho phép linh hoạt hoán đổi vị trí quỹ nhà xã hội ở nơi có giá vừa túi tiền hơn để có thể phát triển được quỹ nhà giá trên dưới 20 triệu đồng một m2 phục vụ người có thu nhập thấp. Ông kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được lựa chọn hình thức: hoặc dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội trong dự án; hoặc hoán đổi quota 20% quỹ đất hoặc nhà ở bằng số lượng nhà ở xã hội tương đương.

Nguồn: Vũ Lê – vnexpress

 

By admin

Thủ tướng Phạm Minh Chính – Khai thông cho 1 triệu căn nhà ở xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính – Khai thông cho 1 triệu căn nhà ở xã hội

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng đề án xây ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay tới năm 2030 và yêu cầu các bộ, ngành cần có giải pháp rút ngắn thủ tục, khuyến khích hấp dẫn để hút doanh nghiệp tham gia.
Thông điệp trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người thu nhập thấp vào hôm qua 1.8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị – Ảnh: Nhật Bắc

Doanh nghiệp lớn đăng ký sẽ vượt mục tiêu

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhìn nhận việc phát triển cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cũng như yêu cầu đặt ra, do đó, việc phát triển cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Các DN đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nhắc tới nguyên nhân của việc “chưa đáp ứng được nhu cầu”, điều đầu tiên được tư lệnh ngành xây dựng kể tới là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại. Ông dẫn chứng như dự án được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện… “Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp (DN)”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận và nói thêm các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư (CĐT) dự án, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích CĐT.

Chính phủ và các doanh nghiệp quyết tâm hướng tới mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội – Ảnh: Nhật Thịnh

Ở một số quốc gia tương đồng với VN như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, hầu hết các nước đều phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công hoặc giao cho DN nhà nước đầu tư hoặc có các chính sách hỗ trợ CĐT hoặc người dân thuê, mua. Từ đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi luật Nhà ở 2014 đồng bộ với các luật Đất đai, Đấu thầu, Thuế… trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển; việc lựa chọn CĐT dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị để Bộ Xây dựng lập, trình Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022 – 2030. Cùng với đó, Thủ tướng giao quy hoạch, định hướng các tập đoàn, DN kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư phát triển.

Ngay tại hội nghị, đại diện các DN lớn đã bày tỏ sẵn sàng chung tay để thực hiện đề án này. Lãnh đạo Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex (Bình Dương) cho hay đến nay DN đã xây dựng 64.000 căn hoàn thiện với mỗi căn hộ tối thiểu khoảng 30 m² và đang có kế hoạch để có thể xây dựng thêm 120.000 căn hộ. Theo đề án, nhà ở công nhân đã được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, Becamex sẽ dành 105 ha để tiếp tục xây dựng nhà ở công nhân. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam, cũng bày tỏ cam kết sẵn sàng đăng ký tham gia xây dựng 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Tương tự, đại diện Bitexco, Vinhomes, Sungroup đều thể hiện sự sẵn sàng được tham gia chương trình này và mong muốn nhà nước có những tháo gỡ về thủ tục cho DN.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho hay từ chiều hôm trước đến gần hết hội nghị, các DN lớn đã đăng ký thực hiện tới 1,28 triệu căn hộ. “Thành công này sẽ giải quyết được nhu cầu nhà ở cho gần 10 triệu công nhân”, Phó thủ tướng nói.

“DN đã nói là phải làm”

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các DN nên đã hoàn thành hàng trăm dự án, nhà ở công nhân với 7,8 triệu m², giúp hàng chục vạn gia đình thu nhập thấp và hàng chục vạn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục sớm nhất có thể.

Đó là cơ chế, chính sách phát triển, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, như về đối tượng tham gia, thụ hưởng; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua – bán. Việc thực hiện các chính sách ưu đãi phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài, không gian sáng tạo, phát triển còn chật hẹp so với yêu cầu; chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý để phát triển, các chính sách ưu đãi cho CĐT dự án, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, sát thực tế, không thu hút, khuyến khích CĐT…

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định phát triển, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của quản lý nhà nước, của DN…

“Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”, Thủ tướng khẳng định.

Nêu rõ mục tiêu phát triển phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, hoàn thành ngay trong tháng 8 này. “Để xây dựng và triển khai đề án này, chủ tịch UBND các tỉnh, TP phải báo cáo trước ngày 15.8 về các dự án đang triển khai, các vị trí đất đã có chủ trương xây dựng nhưng chưa triển khai, lập kế hoạch triển khai cho thời gian tới với số lượng dự án, căn hộ cụ thể từ nay tới năm 2030 để bảo đảm nhu cầu địa phương. Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng hợp, giao kế hoạch cụ thể”, Thủ tướng yêu cầu.

Đối với DN, Thủ tướng lưu ý: “Các DN đã đăng ký đầu tư, xây dựng trên 1,2 triệu căn hộ từ nay tới năm 2030, cần nói đi đôi với làm, không để người dân mất niềm tin”.

Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện các quy định để triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho các chuyên gia; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu nhà trọ theo định hướng trên; trước hết là các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, nghiên cứu việc quy định một đầu mối quản lý thống nhất ở các địa phương về vấn đề này. Nghiên cứu việc bố trí quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại một cách linh hoạt, khả thi, hiệu quả, phù hợp tình hình. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính phiền hà, rườm rà, không cần thiết, tạo thuận lợi nhất để các DN có động lực, cảm xúc, cảm hứng để phát triển. Thủ tướng yêu cầu sớm lập, phê duyệt và công bố công khai danh mục dự án đầu tư xây dựng độc lập phải lựa chọn CĐT theo hình thức đấu thầu để các DN quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

“Cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các DN, nhất là các DN lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng dự án”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Xây dựng cho hay về kết quả đầu tư phát triển dự án, nhà ở công nhân, tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, có tổng diện tích hơn 7,79 triệu m². Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu m².

Nguồn: thanhnien

lễ khởi công chung cư bình phú

By admin

Nguy cơ ‘ế’ 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi dự án nhà ở xã hội

Nguy cơ ‘ế’ 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi dự án nhà ở xã hội

Nguồn cung nhà ở xã hội (NƠXH) ít khiến gói vay ưu đãi cho người mua nhà 15.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm (2022- 2023) có nguy cơ bị “ế”.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, hai năm (2020-2021) nguồn cung bất động sản giảm mạnh. Năm 2021 nguồn cung nhà ở giảm 34% so với năm 2020, năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019. Còn NƠXH gần như không có dự án nào được cấp phép mới, trong khi đây là phân khúc có nhu cầu cao nhất. Cũng theo ông Khởi, hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế là cơ hội với thị trường bất động sản.

“15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở vay với lãi suất thấp nhưng bây giờ lấy đâu ra nguồn cung để cho người dân mua NƠXH. Tức là muốn giải ngân 15.000 tỷ đồng trên phải có nguồn cung NƠXH cho người dân, có cung mới tiêu được cầu. Như vậy, trong 2 năm liệu có tiêu hết 15.000 tỷ?”, ông Khởi nói.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo kế hoạch. Trong đó, nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 tương đương 54 ngàn căn hộ. NƠXH cho người thu nhập thấp đô thị là 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.

Cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án NƠXH, nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân là 7,6 triệu m2 với hơn 152 nghìn căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 10,96 triệu m2 với 219 nghìn căn hộ. Các dự án này đang triển khai rất chậm và mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây sau gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố.

Trước đó, Bộ Xây dựng có công văn gửi Ngân hàng Chính sách xã hội về nhu cầu cho vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, trên tổng số vốn 15.000 tỷ đồng được giao trong năm 2022 và 2023, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội về dự kiến kế hoạch cho vay năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, năm 2023 (8.200 tỷ đồng).

Theo Ngọc Mai/Tiền phong

Nhà ở xã hội TP HCM tăng giá gấp đôi trong 5 năm
Thủ tướng Phạm Minh Chính – Khai thông cho 1 triệu căn nhà ở xã hội
lễ khởi công chung cư bình phú
Nguy cơ ‘ế’ 15.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi dự án nhà ở xã hội