TANI BUILDINGTANI BUILDING

By admin

Cá nhân và doanh nghiệp bất động sản câu kết nhau bán ‘dự án vịt trời’?

Cá nhân và doanh nghiệp bất động sản câu kết nhau bán ‘dự án vịt trời’?

Một cá nhân cùng một doanh nghiệp bất động sản đã liên kết với nhau để vẽ dự án, phân lô, tổ chức ra mắt để thu tiền của khách hàng bằng hợp đồng đặt cọc, dù hồ sơ pháp lý chưa rõ ràng. Theo luật sư, đó là hành vi có dấu hiệu lừa đảo.
Hợp đồng đặt cọc
Do có nhu cầu về nhà ở nên trong thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2018, các ông, bà: Bùi Văn Điềm, Võ Thanh Phong, Võ Thị Xuân, Phạm Thị Doanh Toại, Nguyễn Thị Ngọc Hân đã ký hợp đồng đặt cọc với ông Huỳnh Trọng Nghĩa (Nha Trang – Khánh Hòa) nhằm bảo đảm cho việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng các lô đất: A-19; G-48; H-12; C-03 và H-15 thuộc “Dự án Khu dân cư An Việt ven sông” tại phường Trường Thạnh, Q. 9 (TP. HCM). Giá trị mỗi lô đất từ 1,2 tỷ đồng và đặt cọc 50%.

Theo Điểm 4.1 Điều 4 của các Hợp đồng đặt cọc, ông Huỳnh Trọng Nghĩa cam kết giao nền cho khách hàng sau khoảng 05 tháng, kể từ ngày ký hợp đồng. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết bàn giao đất nhưng ông Huỳnh Trọng Nghĩa không thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không bàn giao nền cho các khách hàng.

Hoang mang, lo lắng, các ông, bà trên đã ủy quyền cho bà Võ Thị Kim Dung (ở Quận 2, TP. Hồ Chí Minh) viết đơn phản ánh đến báo Congluan.vn cùng các cơ quan chức năng, đề nghị làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Qua tìm hiểu, phóng viên ghi nhận tại vị trí đất được gọi là “dự án Khu dân cư An Việt ven sông” có một con đường đang được san ủi dở dang, nhưng không có người hay máy móc hoạt động. Trên hợp đồng đặt cọc được ký kết giữa 3 bên, ông Huỳnh Trọng Nghĩa là bên nhận cọc, khách hàng là bên đặt cọc, và bên làm chứng là Công ty Cổ phần An Việt VN (do ông Nguyễn Thành Đạt – Tổng Giám đốc làm đại diện).

Điểm lạ của bản hợp đồng này: dù ông Huỳnh Trọng Nghĩa là cá nhân, nhưng lại sử dụng duy nhất một mẫu Hợp đồng có sẵn logo, thương hiệu, địa chỉ và tên viết tắt Anvietreal của Công ty Cổ phần An Việt VN để ký kết các hợp đồng đặt cọc với khách hàng trong khi đó, Công ty Cổ phần An Việt VN được xác định rõ chỉ là bên làm chứng (Bên C).

Đặc biệt, Công ty Cổ phần An Việt VN lại thay mặt, đại diện ông Huỳnh Trọng Nghĩa giải quyết một số vấn đề liên quan đến hợp đồng đặt cọc đã ký với khách hàng; trong đó, phương thức thanh toán: khách hàng phải chuyển khoản hoặc tiền mặt cho bên làm chứng là Công ty Cổ phần An Việt VN.

Theo một cán bộ quản lý thuộc Phòng Tài nguyên & Môi trường quận 9, “tại thời điểm ông Nghĩa ký hợp đồng đặt cọc với khách hàng cho đến nay, thì chưa có bất kỳ cơ quan nào ban hành một văn bản, hay quyết định nào thể hiện cho phép ông Huỳnh Trọng Nghĩa được làm Chủ đầu tư xây dựng một “Dự án” có tên gọi là “Khu dân cư An Việt ven sông tại phường Trường Thạnh, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh”.

“Và chưa có bất cứ cơ sở pháp lý nào để khẳng định ông Huỳnh Trọng Nghĩa đứng tên sở hữu, sử dụng các thửa/lô/nền đất trên” – vị cán bộ này nói tiếp.

Phóng viên liên hệ với ông Huỳnh Trọng Nghĩa thì được ông cho biết, “thông tin về dự án rất khó trao đổi hết ý và đầy đủ thông tin khách quan,…”, đồng thời ông Nghĩa cho số điện thoại của một người tên Thùy để PV liên hệ, nhưng khi gọi vào số này thì không có người bốc máy.

Dù ra mắt hoành tráng Khu đô thị An Việt ven sông, nhưng trên thực tế chỉ là bãi đất trống chưa có giấy tờ pháp lý.

Dấu hiệu lừa đảo, “lách” thuế
Theo Luật sư Thái Văn Chung – Giám đốc Hãng Luật Nguyên Giáp: “Ông Nghĩa sử dụng thương hiệu, hình ảnh, logo, thông tin của Công ty Cổ phần An Việt VN để làm hợp đồng đặt cọc với khách hàng cũng như chưa có hồ sơ pháp lý nhưng đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng. Đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo”.

Vấn đề đặt ra, tại sao Công ty Cổ phần An Việt VN vẫn để ông Nghĩa sử dụng thông tin của mình để ký kết hợp đồng đặt cọc, phải chăng ở đây có sự câu kết với nhau?

Bên cạnh đó, trên giao diện của website http://anvietreal.com.vn trong phần giới thiệu “về chúng tôi”, Công ty Cổ phần An Việt VN cũng khẳng định “Khu đô thị An Việt ven sông do Công ty CP An Việt VN làm chủ đầu tư”, cùng nhiều hình ảnh ra mắt dự án.

Ngoài ra, trên trang bìa của các bản hợp đồng này, ông Nghĩa lại cho in hình ảnh của “Khu dân cư An Việt ven sông” dự kiến hình thành trong tương lai được vẽ 3D nhằm mục đích tăng lòng tin của khách hàng đối với “Dự án” của ông.

Tuy nhiên, thực tế tại thời điểm ông Huỳnh Trọng Nghĩa ký 05 bản hợp đồng đặt cọc với khách hàng thì chưa có bất kỳ bản thiết kế mặt bằng tổng thể nào hoặc bản vẽ thiết kế tỷ lệ 1/500 nào được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để chứng minh ông Huỳnh Trọng Nghĩa hoặc Công ty Cổ phần An Việt VN được phép triển khai đầu tư, xây dựng một “Khu dân cư An Việt ven sông” trên thực tế.

Lễ ra mắt dự án

Luật sư Thái Văn Chung đặt nghi vấn: “Tôi không rõ mối quan hệ giữa ông Huỳnh Trọng Nghĩa với Công ty Cổ phần An Việt VN là như thế nào. Nhưng nếu như lời giới thiệu, quảng bá thông tin trên website: anvietreal.com.vn rằng “Khu đô thị An Việt ven sông do Công ty CP An Việt VN làm chủ đầu tư” là đúng, và quy mô “Dự án” khoảng 5ha với hơn 200 nền, biệt thự ven sông như họ tự giới thiệu thì chúng ta có thể nhận định ông Huỳnh Trọng Nghĩa chỉ là người đứng tên dùm khối tài sản này cho Công ty CP An Việt VN trên các bản hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng đặt cọc với các khách hàng”.

“Lý do việc cá nhân đứng tên dùm cho pháp nhân giao dịch, mua bán, chuyển nhượng một số lượng lớn bất động sản như trên, theo tôi có thể Công ty Cổ phần An Việt VN muốn né thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay với mức thuế 20%/lợi nhuận cho Ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, để cho cá nhân ông Huỳnh Trọng Nghĩa đứng tên giao dịch, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì ông Nghĩa chỉ phải chịu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Giá chuyển nhượng x 2% (thuế suất) thấp hơn nhiều so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành” – Luật sư Chung nói.

Thái Sơn (Công luận)

lễ khởi công chung cư bình phú

By admin

Nhà ở xã hội chung cư Bình Phú: Xóa bỏ tư duy bao cấp

Nhà ở xã hội chung cư Bình Phú: Xóa bỏ tư duy bao cấp

Nhà ở xã hội (NƠXH) là một mảng trong chiến lược phát triển nhà ở nói chung nhưng chưa được chú trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, thông qua Tổng điều tra dân số và nhà ở đợt này, Chính phủ sẽ có cơ sở dữ liệu quan trọng để hoạch định chính sách phát triển NƠXH.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 67/QĐ-TTg, thực hiện một số cơ chế, chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị (hay còn được gọi là NƠXH). Từ đó đến nay, Chính phủ đã dành ra khoản tiền lớn cho chương trình NƠXH phục vụ được hàng triệu người dân thu nhập thấp tại các đô thị lớn và hiện nay chương trình vẫn đang tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, theo đánh giá, trong giai đoạn hiện nay, phát triển NƠXH nên đi theo cơ chế thị trường, giảm sự ỷ lại từ cơ chế của Nhà nước.
Không nên ỷ lại vào cơ chế
Theo TS Tô Thanh Tâm – Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, ngay sau khi Quyết định 67/2009 được ban hành, Chính phủ đã dành khoản tiền trên 50.000 tỷ đồng để làm vốn vay ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng các công trình NƠXH được phân bổ cho các tỉnh, TP. UBND các tỉnh, TP sẽ xem xét để đảm bảo cho chủ đầu tư dự án hưởng lãi suất định mức không quá 10% giá trị công trình. Đồng thời được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn thuế sử dụng đất trong 3 năm; được khấu trừ đầu vào khi chịu thuế VAT; được miễn thuế thu nhập DN trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm kế tiếp.

Tiếp theo đó, để ứng phó với việc “đóng băng” của thị trường BĐS giai đoạn 2013 – 2015, Chính phủ lại tiếp tục “mở” ngân khố với khoản hỗ trợ 30.000 tỷ đồng (thực tế đã giải ngân trên 32.000 tỷ đồng) cho vay mua NƠXH, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi 6%/năm 2013 và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2019. Từ năm 2016 tới nay, khi chấm dứt gói hỗ trợ mua nhà 30.000 tỷ đồng, mỗi năm Chính phủ đều phải dành thêm khoản tiền từ 1.000 – 2.000 tỷ đồng cho chương trình NƠXH.
“Không phủ nhận, nguồn tài chính do Chính phủ phân bổ đã hỗ trợ được hàng chục nghìn hộ gia đình thu nhập thấp có được chỗ ở, góp phần hiệu quả trong công tác an sinh xã hội. Nhưng mặt khác, quá trình phát triển NƠXH tại Việt Nam gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước theo tư duy của thời kỳ bao cấp” – TS Tô Thanh Tâm nói.
Cũng theo TS Tô Thanh Tâm, hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn ra nhanh chóng, tỷ lệ người dân các vùng nông thôn được chuyển dịch vào sống trong các đô thị ngày càng nhiều. Từ đó lại đặt ra những thách thức về chỗ ở nên cần phải sớm từ bỏ tư duy bao cấp đối với việc xây dựng NƠXH, để việc này phát triển theo cơ chế thị trường nhưng có sự can thiệp chặt chẽ của Nhà nước về công tác quy hoạch, xây dựng và sử dụng dự án.
Phát triển theo cơ chế thị trường
Theo PSG.TS Nguyễn Hồng Thục – Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và hạ tầng kỹ thuật, mặc dù được sự hỗ trợ về mọi mặt của Chính phủ nhưng NƠXH vẫn không có nhiều chuyển biến. Do giá đất tại đô thị được đẩy lên cao nên nhà đầu tư thay vì phát triển NƠXH đã tập trung vào các nhóm sản phẩm khác có khả năng sinh lời cao hơn.
“NƠXH cũng là một sản phẩm hàng hóa và phải có thị trường, tuân thủ hoạt động theo cơ chế của thị trường. Nhà nước chỉ có thể trợ giúp chứ không thể đứng ra làm tất cả” – PSG.TS Nguyễn Hồng Thục nói, đồng thời cho rằng, việc đầu tư NƠXH không chỉ nên tập trung tại các đô thị lớn, mà cần lan tỏa ra các vùng nông thôn. Thay vì bao cấp cho những đơn vị thực hiện dự án, thì hướng chính sách trực tiếp đến người dân. Nếu giải quyết tốt nhu cầu về chỗ ở cho những gia đình trẻ tại nông thôn thì sẽ hạn chế được tình trạng đổ xô ra đô thị kiếm sống.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần cho phép các thành phần kinh tế tham gia với mục tiêu xây dựng càng nhiều nhà ở giá rẻ càng tốt. Đẩy mạnh ngăn chặn hiện tượng trục lợi, đầu cơ, gom hàng, đẩy giá… bằng hình thức yêu cầu các nhà đầu tư công bố công khai giá bán trước khi xây dựng và đánh thuế 100% số tiền chênh lệch. Đối với quỹ đất 20% dành cho NƠXH tại các khu đô thị cần phải có một ban quản lý độc lập của Nhà nước đảm nhận.

By admin

Mua nhà xã hội mất tiền chênh 500 triệu đồng: Cò quay siết tiền khách mua

Mua nhà xã hội mất tiền chênh 500 triệu đồng: Cò quay siết tiền khách mua

Nhiều dự án nhà ở xã hội đang được rao bán với mức giá chênh lên tới hàng trăm triệu, môi giới còn cam kết chạy hồ sơ đảm bảo mua được nhà.

Dù các hoạt động mua, bán nhà ở xã hội ngoài luồng là trái luật và tiềm ẩn không ít rủi ro cho người mua, nhưng các giao dịch ngầm tại phân khúc này vẫn rất sôi động. Tại dự án EcoHome 3 do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô làm chủ đầu tư, ngay sau khi có thông tin tiếp nhận hồ sơ, đội ngũ tư vấn đã rầm rộ rao bán trên mạng xã hội.

Theo thông báo của chủ đầu tư, thời gian tiếp nhận hồ sơ mua NOXH NO2, NO3 đợt 1 dự kiến từ 21/3/ đến hết ngày 21/4. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng qua, đội ngũ cò môi giới BĐS đã “tung hoành” lôi kéo nhiều người đến nghe họ tư vấn miễn phí làm hồ sơ, nhưng thực chất là “gợi ý” người dân đưa tiền với cam kết chắc chắn sẽ mua được nhà theo yêu cầu của khách.

Rao bán suất nhà ở xã hội

Chủ tài khoản tên Q.H cho hay anh đang có 7 suất ngoại giao, 100% mua được nhà và chọn được căn tầng. Giá bán dự án đưa ra là 15,9 triệu đồng, dự kiến sẽ bàn giao nhà vào quý III/2020. Theo môi giới này, dự án nhà ở xã hội rất khó mua.

Tương tự như vậy, một môi giới khác tên Vượng chia sẻ rằng đang rao bán 5 suất ngoại giao của dự án. Người mua dược chọn diện tích căn và khoảng tầng. “Hiện tại các suất trên còn rất ít vì số lượng nộp hồ sơ nhiều lên theo từng ngày. Người mua cần chuẩn bị một số hồ sơ, như hộ khẩu, chứng nhận chưa sở hữu nhà và nhiều loại giấy tờ khác cần phải gặp trực tiếp để tư vấn thêm”, anh cho hay. Tùy vị trí và diện tích sẽ có giá cụ thể, dao động từ 50-100 triệu.

Còn tại dự án 282 Nguyễn Huy Tưởng, số tiền chênh lệch khách hàng phải trả thậm chí còn lên tới trên 500 triệu đồng. Khi dự án mới công bố danh sách người đủ điều kiện được mua, nhiều môi giới đã đăng rao bán rầm rộ.

Với căn hộ 70 m2, chủ cũ có suất mua theo dạng nhà ở xã hội phải trả là 1,12 tỷ đồng. Người đó thông qua sàn bán lại ra thị trường với giá 1,54 tỷ đồng (22 triệu đồng/m2), chênh khoảng 400 triệu đồng.

Thậm chí có căn hướng đẹp, giá bán lại được đẩy lên 23-24 triệu đồng/m2 (khoảng 1,61-1,68 tỷ đồng/căn hộ, chênh 500-570 triệu đồng/căn). Đáng chú ý có căn 78 m2, chênh lệch lên tới 600 triệu đồng.

Môi giới cho rằng giá bán 22-24 triệu đồng/m2 tại dự án 282 Nguyễn Huy Tưởng còn thấp hơn nhiều so với các dự án nhà ở thương mại ở cùng khu vực khi bán trung bình ở mức 26-30 triệu đồng/m2.

Dự án nhà ở xã hội rao bán rầm rộ

Cẩn trọng mất tiền oan

Đại diện CTCP Đầu tư & Thương mại Thủ Đô cho biết, công ty đã chủ động nhiều lần đăng thông báo, đăng thông tin trên website, trên báo chí và tại điểm tiếp nhận hồ sơ để khuyến cáo các khách hàng quan tâm đến dự án này, người có nhu cầu về nhà ở xã hội không bị các đối tượng cò mồi trục lợi. Chủ đầu tư không ủy quyền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thực hiện việc hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ mua NOXH NO2, NO3 – EcoHome 3 cũng như không ký với bất kỳ đơn vị nào để phân phối.

Theo ông, “việc các sàn giao dịch đăng thông tin thì chúng tôi không thể ngăn cản họ vì đây là vấn đề pháp lý và quyền của mỗi đơn vị”.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc Ban đầu tư CTCP Tập đoàn Hoành Sơn (chủ đầu tư dự án 282 Nguyễn Huy Tưởng), cũng thừa nhận, những căn hộ đủ điều kiện mua theo dạng nhà ở xã hội có tình trạng mua đi bán lại để hưởng tiền chênh. Người có suất mua nhà sẽ thông qua cò để bán lại hoặc môi giới chủ động tìm đến người có suất để đề nghị mua lại.

Ông cảnh báo người mua lại nhà ở xã hội theo hình thức này sẽ phải chịu rủi ro pháp lý. Theo quy định, sau 5 năm người mua nhà ở xã hội mới được chuyển nhượng lại. Như vậy, người mua lại phải mất 5 năm để hợp thức hóa số tiền bỏ ra và được cấp sổ đỏ. Ngoài ra, khi mua bán thương mại sau 5 năm, người mua phải trả thêm tiền sử dụng đất do không được hưởng ưu đãi nữa.

Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, cho biết: “Nếu xảy ra tranh chấp hoặc quá trình sử dụng nhà có vấn đề gì thì người mua hoàn toàn gánh chịu rủi ro, nếu có kiện người bán hoặc cơ quan liên quan thì không có cơ sở pháp lý, pháp luật nên không thể bảo vệ, đảm bảo được quyền lợi của người mua nhà”.

Theo D. Anh
VietnamNet

By admin

Thủ tướng phê duyệt lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội năm 2019 ở mức 5%/năm

Thủ tướng phê duyệt lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội năm 2019 ở mức 5%/năm

Theo quyết định mới được ban hành, mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2019 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội,… là 5%/năm.

Thủ tướng Chính phủ vừa kí quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Nhà nước chỉ định theo quy định của Chính phủ về phát triển và quản lí nhà ở xã hội.

Theo đó, mức lãi suất cho vay ưu đãi của TCTD do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2019 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định của Chính phủ về phát triển và quản lí nhà ở xã hội là 5%/năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/3/2019 và thay thế quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 22/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở được vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.

Hiện nay, mới chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đang triển khai cho vay theo qui định của Chính phủ về phát triển và quản lí nhà ở xã hội. Tính đến 31/12/2018 đã có 59 tỉnh, thành phố thực hiện cho vay, với dư nợ đạt 905 tỉ đồng và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao.

Năm 2019, chương trình cho vay nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước bố trí cho NHCSXH số vốn 663 tỉ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động được thì tổng nguồn vốn cho vay của chương trình là 1.326 tỉ đồng.

Xem thêm: Nhà ở xã hội chung cư Bình Phú – Tanimex

By admin

Nhà ở xã hội: Điểm nghẽn nguồn vốn khiến cả doanh nghiệp, người dân gặp khó

Nhà ở xã hội: Điểm nghẽn nguồn vốn khiến cả doanh nghiệp, người dân gặp khó

Việc tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đang bị vướng mắc do căn hộ nhà ở xã hội thường đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng, trong lúc Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được phép cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay.

Việc tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đang bị vướng mắc do căn hộ nhà ở xã hội thường đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng, trong lúc Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được phép cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay. Ảnh minh họa

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.

Chủ tịch HoREA cho rằng, hệ thống chính sách nhà ở xã hội đã được quy định tương đối toàn diện trong Luật Nhà ở 2014. Tuy nhiên cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Bên cạnh đó, mặt hạn chế lớn nhất là công tác thực thi pháp luật về chính sách nhà ở xã hội.

Đến nay, Nhà nước gần như chưa bố trí được nguồn ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội; Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định Ngân hàng Chính sách xã hội chưa cấp tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020; Các ngân hàng thương mại được Ngân hàng nhà nước chỉ định cũng chưa thể tham gia thực hiện chính sách nhà ở xã hội do chưa được tái cấp vốn ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, chính sách nhà ở xã hội hiện nay chưa thật sự tập trung để phát triển loại nhà ở xã hội cho thuê trở thành định hướng chủ đạo; Cũng chưa phân biệt rõ phần chính sách đối với người mua nhà ở xã hội trả tiền một lần và phần chính sách đối với người thuê mua nhà ở xã hội trả tiền trong thời hạn 15 năm.

Ông Lê Hoàng Châu nêu rõ việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội hiện nay còn một số điểm nghẽn.

Cụ thể, khi thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng giai đoạn 2011-2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP ngày 07/01/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, trong đó 70% tương đương 21.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng, được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013; và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2019; và 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương với 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Sau 3 năm thực hiện chính sách này, đến hết năm 2016, đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở, trong đó có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi này cũng đã có tác động làm cho nhiều người thu nhập thấp đô thị chưa được tiếp tục vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, do hiện nay, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa có “danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội” (theo Luật Nhà ở 2014) để Chính phủ có nguồn vốn ngân sách thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Văn bản số 102/UBTVQH14-TCNS ngày 26/04/2017 gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó dành một phần khoảng 1.260 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Nhưng trên thực tế, đa số các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi do nhu cầu quá lớn. Việc tiếp cận vốn vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội đang bị vướng mắc do căn hộ nhà ở xã hội thường đã bị chủ đầu tư dự án thế chấp ngân hàng, trong lúc Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được phép cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay.

Theo ông Lê Hoàng Châu,điểm nghẽn nguồn vốn khiến cả doanh nghiệp, người dân gặp khó. 

Trong khi đó Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính Phủ, quy định “Trong giai đoạn 2015-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Nghị định này”, Khoản 1 Điều 15 bao gồm các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Quy định này của Chính phủ trên thực tế là chưa thực hiện Khoản (1.c) Điều 58 Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “Được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam”.

Do vậy, đã dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dở dang không được tiếp tục vay để hoàn thành dự án, nhiều người vay mua nhà ở xã hội nhưng chưa được nhận nhà trong năm 2016 cũng không còn được tiếp tục vay ưu đãi, mà phải chuyển sang vay thương mại nên cả chủ đầu tư dự án và người vay mua nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội đang bị trở ngại do chưa bố trí được đủ nguồn vốn từ ngân sách để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.

Do vậy, HoREA kiến nghị Quốc hội bổ sung “Chương trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội” vào Điều 7 Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Các chương trình mục tiêu”, bao gồm 21 danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng ngân sách, trước hết là năm 2019, để Chính phủ có căn cứ thực hiện.

Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỷ đồng, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét phân bổ nguồn vốn ngân sách cho cả 04 tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định, gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, là những ngân hàng chủ lực đã tham gia thực hiện chính sách cho vay ưu đãi các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, chứ không phải chỉ có Ngân hàng Chính sách xã hội.

Về điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội; Lãi suất tiết kiệm nhà ở xã hội. Khoản 2 điều 74 Luật Nhà ở 2014 đã quy định: “Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định”.

Có thể hiểu là sau thời gian tối thiểu 12 tháng đã gửi tiết kiệm thì hộ gia đình, cá nhân mới đạt được điều kiện để vay vốn ưu đãi (gửi tiết kiệm trước).

Tuy nhiên, tại khoản 5 điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ đã quy định: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”, lại có thể hiểu là hộ gia đình, cá nhân phải gửi tiết kiệm kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng (gửi tiết kiệm sau), nên tại mục (3.a) văn bản 2526/NHCS-TDSV ngày 27/07/2016 của Ngân hàng Chính sách xã hội đã quy định người vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện “phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội” (gửi tiết kiệm sau).

Trong khi lãi suất tiết kiệm nhà ở xã hội, tại Văn bản số 2510/NHCS-TDSV ngày 26/07/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức lãi suất tiết kiệm nhà ở xã hội bằng với mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội (năm 2018, mức lãi suất là 4,8%/năm). Mức lãi suất tiết kiệm này rất thấp và chưa hợp lý nên sẽ khó thu hút người gửi.

Bất động sản Nam Sài Gòn

By admin

Tìm “mảnh đất cắm dùi” giữa chốn đô thị

Tìm “mảnh đất cắm dùi” giữa chốn đô thị

Ngày tốt nghiệp đại học, Lan không theo chúng bạn trở về quê mà quyết định ở lại Sài Gòn lập nghiệp với khao khát có thể mua được một căn hộ ở chốn phồn hoa.

Nhiều người lao động làm việc cả đời cũng không đủ tiền để có được “mảnh đất cắm dùi” giữa chốn đô thị

Sau 5 năm đi làm ở một doanh nghiệp, Lan tích góp mua được một căn nhà tập thể rộng 30m2 ở vùng ven thành phố giá hơn 400 triệu đồng, nơi dân cư hẻo lánh, muỗi mòng bay cả đàn. Sống ở đó, vừa không thuận tiện đi làm, vừa chẳng dễ dàng để ở.

Giấc mơ an cư nơi phố thị

Ba năm sau, Lan lập gia đình, có con và lúc đó khát khao được ở riêng lớn hơn bao giờ hết. Nhưng nhìn lại, tổng thu nhập hai vợ chồng chưa đến 15 triệu đồng/tháng, chi tiêu cho 4 người. Mặc dù vun vén, ăn chẳng dám ăn, chẳng dám xài nhưng vẫn không tích góp đủ tiền để mua nổi một căn nhà ở xã hội giá vài trăm triệu đồng ở thành phố.

Cách đó hơn 1.000 km, trên chuyến xe giường nằm cùng vợ con về quê ăn tết, Hùng đã ngồi bật dậy khi nghe đến câu hát “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có tình người là đắt thôi”.

Bản nhạc nhà xe “đãi khách” dọc hành trình đã vô tình đánh trúng tim đen của Hùng, cậu đùa bản nhạc nên sửa thành”Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có giá nhà là đắt thôi”. Bởi đã 5 năm tích góp vợ chồng Hùng vẫn “đêm đêm nằm mơ phố” khi chưa tìm được dự án nào hợp lý nhất để “đặt cọc”. Không chịu nổi lãi suất ngân hàng, Tết này về quê Hùng hy vọng sẽ thuyết phục được hai bên gia đình hỗ trợ thêm về tài chính.

Dù khát vọng chính đáng, dù thị trường đang có cả trăm chương trình khuyến mại, hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng cho các dự án bất động sản nhưng giấc mơ “an cư lạc nghiệp” tại thành phố lớn của cả chục nghìn gia đình trẻ như Lan, như Hùng vẫn còn dở dang.

Tất nhiên việc mua nhà, nhất là nhà ở thành phố không phải ngày một ngày hai mà có được. Có người phải vất vả đi làm, nhà đi thuê cả đời mới dành dụm tích góp được số tiền để mua, và cũng là mua cho con, còn mình lại về quê với vườn tược, lợn gà. Có người lại quyết chí mua nhà sớm quá để rồi đòn bảy tài chính bị ngã cuối cùng nhà mất nợ mang… Có cả một nghìn lẻ một câu chuyện mua nhà trên thành phố, nhưng tất thẩy đều giống nhau ở một điểm: Giấc mơ an cư nơi phồn thị.

Kế hoạch dở dang

Còn nhớ, sau mấy mươi năm cả dân tộc gồng mình cho hai cuộc kháng chiến, niềm vui của đại bộ phận dân chúng khi ấy đơn giản chỉ là “có cơm ăn áo mặc” chứ chưa dám mơ “ăn ngon mặc đẹp”.

Ở Hà Nội, chỉ giới trí thức hay công nhân mới được phân ở trong những căn hộ tập thể, như thế đã là sang lắm rồi. Vốn dĩ đất chật người đông, giá đất chưa khi nào rẻ, việc có được một căn hộ tập thể trên thành phố khi đó đã là một thành quả lớn trong đời người, lớn đến mức việc đó giống như “vinh quy bái tổ”, thậm chí ở nhiều vùng quê, trong lúc trà dư tửu hậu, các vị cao niên trong họ còn lấy việc có nhà Hà Nội ra làm tiêu chí hay làm thước đo cho sự thành đạt của người nọ người kia trong dòng họ.

Từ thập niên chín mươi cho đến hôm nay, các thành phố lớn trong đó có Hà Nội đã không ngừng được mở rộng. Từ một Hà Nội – trong sông với “Nhị Hà quanh bắc sang đông – Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”, rồi đến thời điểm năm 2008 khi sáp nhập Hà Tây – Hà Nội thì diện tích thủ đô đã tăng lên mấy chục lần. Cũng từ đó những ngôi nhà cao tầng nhanh chóng mọc lên san sát, có những vùng đô thị ken đặc một màu bê tông trắng – xám. Các dự án nhà ở từ hạng sang, cao cấp đến các dự án vừa túi tiền, các dự án nhà ở xã hội nhà ở cho người có thu nhập thấp với đủ tên mỹ miều như trăm hoa đua nở.

Ấy thế mà, trong báo cáo “Làn sóng lớn” được công bố gần đây từ tổ chức UN – Habita (chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc) khiến nhiều người phải giật mình, có khoảng 27% cư dân đô thị Việt Nam đang sống trong điều kiện nhà ở chất lượng thấp, tương đương 31 triệu người. Nhiều người lao động làm việc cả đời cũng không đủ tiền để có được “mảnh đất cắm dùi” giữa chốn đô thị.

Một lãnh đạo ngành xây dựng từng nói, một thị trường bất động sản bền vững thật sự chỉ khi đáp ứng được nhu cầu nhà ở của số đông bộ phận dân chúng, số đông đó chính là những người có thu nhập trung bình, thấp tại các đô thị chứ không phải là số ít những người giàu có. Tuy nhiên, nếu nhìn vào diễn biến của thị trường và những con số báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường công bố dễ dàng nhận thấy sự lệch pha cung cầu của thị trường bất động sản ngày càng rõ rệt.

Hiện tại, giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập trung bình năm của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. Năm 2018, nguồn cung của phân khúc nhà giá rẻ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20%. Loại căn hộ có diện tích 60m2 và giá bán tầm 700 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5%. Và khoảng 80% người dân thành thị không thể mua nhà tại những dự án nhà ở thương mại có chất lượng vào hàng tối thiểu và có giá bán thấp nhất trên thị trường.

Với ý nghĩa nhân văn rộng lớn, cùng một tầm nhìn dài hạn, Bộ Xây dựng đã dồn khá nhiều tâm sức vào việc xây dựng dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011. Điểm nổi bật trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26m2/sàn và tại nông thôn đạt 19m2 sàn/người. Nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc giai đoạn 2011 – 2020 là khoảng 440.000 căn hộ.

Tuy nhiên, chỉ còn 1 năm nữa Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia chính thức chạm mốc 2020, trong khi kết quả thực hiện an cư cho người dân nghèo mới thực hiện được 30% kế hoạch, 70% kế hoạch còn lại chắc chắn sẽ dở dang.

Hiện nay đất nước đã phát triển đến mức thu nhập trung bình, cái đói cơ bản được giải quyết, nhu cầu về nhà ở trở nên bức thiết. Trách nhiệm đảm bảo nhà ở thuộc về Nhà nước, của người dân và của cả cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, điều mà người dân mong đợi từ cơ quan quản lý là những hành động cụ thể dễ nhớ hơn là những con số và kế hoạch mơ hồ về nhà ở.

Theo Thiên Bình

 

By admin

ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN NĂM 2018 CÔNG TY TANIMEX

ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN NĂM 2018 CÔNG TY TANIMEX

Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính từ ngày 01/10/2017 đến 30/9/2018 của công ty Tanimex ngày 17/01/2019 tại Eastin Grand Hotel Saigon đã thành công tốt đẹp.

Chủ tịch HĐQT phát biểu tại Đại hội

Toàn cảnh Đại hội

Năm tài chính 2018, Tanimex đạt 229,408 tỷ đồng tổng doanh thu , tương đương 107% kế hoạch và 86,687 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương 115% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Căn cứ kết quả kinh doanh 2018 đạt hiệu quả, Đại hội đã thông qua việc đề xuất tăng tỷ lệ chia cổ tức từ 20% lên 25% (tăng 5% so với Nghị Quyết) đồng thời cũng thông qua Nghị Quyết về các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 như sau:

1.KẾ HOẠCH KINH DOANH – LỢI NHUẬN: Tổng doanh thu Tanimex phấn đấu thực hiện là 252,7 tỷ đồng, tương đương 110% so với thực hiện năm 2018, lợi nhuận sau thuế là 87,2 tỷ đồng tương 101% thực hiện năm 2018.

2.CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

Trong công tác đầu tư kinh doanh bất động sản và nhà xưởng:

  • Hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án Nhà ở xã hội tại khu công nghiệp Tân Bình II
  • Hoàn thiện cơ sở pháp lý và trình phê duyệt dự án Chung cư Bình Tân tại khu công nghiệp Tân Bình II (Milky Way)
  • Nhanh chóng tiến hành xây dựng dự án Kho Long Hậu tại Cần Giuộc, Long An
  • Tiếp tục khai thác và vận hành tốt toàn bộ hệ thống kho xưởng hiện hữu và 02 nhà kho đa năng tại khu công nghiệp Tân Bình
  • Hoàn thành và đưa vào hoạt động công trình Văn phòng Ban Quản lý khu công nghiệp Tân Bình trong quý 3/2019
  • Tăng cường hiệu quả đầu tư tài chính tại các công ty liên kết, tạo sức mạnh trong công tác kinh doanh hệ thống mang lại lợi nhuận cho công ty.

Cổ đông đặt câu hỏi tại Đại hội

3. KẾ HOẠCH CHỈ TIÊU VỀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN

  • Chia cổ tức 25%
  • Quỹ khen thưởng: 5% LNST
  • Quỹ phúc lợi: 3% LNST
  • Quỹ xã hội: 4% LNST
  • Lợi nhuận để lại: 0,96%

4. THÙ LAO HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ VÀ BAN KIỂM SOÁT

Mức thù lao Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát niên độ tài chính từ ngày 01/10/2018 đến 30/9/2019 là 900.000.000đ (chín trăm triệu đồng) trong đó bao gồm tiền thù lao và các chi phí hợp lý liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Cổ đông biểu quyết tại Đại hội

Ngoài các nội dung trên, Đại hội cũng đã biểu quyết thông qua nội dung chỉnh sửa Điều lệ công ty. Số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tại Đại hội là 25.316.787 cổ phần chiếm tỷ lệ 95,89 % tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.

HĐQT chụp hình lưu niệm với Ban Điều hành Công ty Tanimex

P.QTNS-HC

 

By admin

Chiến lược nhà ở xã hội khó về đích

Chiến lược nhà ở xã hội khó về đích

Chỉ còn 1 năm nữa Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia chính thức chạm mốc 2020.
Một năm được cho là quá ít ỏi để những nhà hoạch định chính sách nhìn lại những việc đã và đang làm được về một chiến lược lớn của đất nước.

Biểu đồ báo cáo triển khai chiến lược nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng

Bộ Xây dựng đã dồn khá nhiều tâm sức vào việc xây dựng dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này đã được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành Quyết định số 2127/2011.

Một chiến lược nhân văn

Điểm nổi bật trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26m2/sàn và tại nông thôn đạt 19m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người.

Tuy nhiên nhìn lại thị trường nhà ở hiện nay tại Việt Nam cho thấy vẫn chưa bắt kịp với mức thu nhập của người lao động bình thường. Hiện tại, giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập trung bình năm của người lao động, lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. Còn theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) trên toàn quốc giai đoạn 2011 – 2020 là khoảng 440.000 căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được khoảng 30% kế hoạch.

Các nhà nghiên cứu thị trường mới đây cũng đưa ra con số giật mình, dù áp đảo về tổng nhu cầu thị trường nhưng năm 2018, nguồn cung của phân khúc nhà giá rẻ chỉ chiếm tỷ trọng dưới 20%. Loại căn hộ có diện tích 60m2 và giá bán tầm 700 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 5%. Và khoảng 80% người dân thành thị không thể mua nhà dù có giá bán thấp nhất trên thị trường.

Ðáng lưu ý là chương trình phát triển NOXH đã được nâng lên thành luật, trong đó quy định rõ các cơ chế hỗ trợ, cũng như nguồn lực hỗ trợ hàng năm hoặc theo giai đoạn. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai lại không suôn sẻ.

Mặc dù, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà giá rẻ, NOXH được nhiều ưu đãi như: miễn tiền sử dụng đất, được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế GTGT, được vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ… nhưng quy trình thực hiện đối với một dự án NOXH vẫn quá chặt chẽ, từ giai đoạn thiết kế đến công tác thẩm định hồ sơ, xác định giá thành, giá bán và xét duyệt đối tượng mua nhà.

Giải pháp đột phá

Để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được nhà ở một trong những đột phá cần thiết lúc này là kéo dài thời gian vay mua nhà lên tới 20 năm để giảm áp lực trả nợ và tăng số tiền khách hàng được vay. Ngoài ra, có thể xem xét, mở rộng đối tượng thu nhập thấp tại các thành phố lớn từ mức dưới 9 triệu đồng hiện nay lên mức dưới 12 triệu đồng/tháng.

Một giải pháp mới thúc đẩy thị trường NOXH là doanh nghiệp ký bảo lãnh với ngân hàng cho người mua nhà đối với dự án doanh nghiệp là chủ đầu tư. Về lâu dài, nhà nước nên giảm dần các gói hỗ trợ thay vào đó pháp luật Việt Nam cần cân nhắc đưa vào ứng dụng một số mô hình đã được áp dụng thành công trên thế giới như Quỹ tiết kiệm nhà ở hay Quỹ tín thác bất động sản.

Để giải quyết vấn đề nhà ở cho đối tượng chính sách và người thu nhập thấp thì Quỹ tiết kiệm nhà ở là mô hình đáng tham khảo. Mô hình này đã được thực hiện thành công tại Thái Lan, Nhật Bản và Singapore, vận hành như một hệ thống tiết kiệm, lại nhắm đến đúng chủ thể có nhu cầu nhà ở, mà người dân lại có thu nhập tăng thêm. Sự can thiệp của Nhà nước vì thế được rút dần, trong khi vấn đề nhà ở vẫn được giải quyết trong quan hệ giữa nhà đầu tư với người dân.

Luật Đất đai 2013 cũng cần được sửa đổi sao cho bảo đảm cho các tổ chức kinh tế có quyền sử dụng đất ở lâu dài để giải quyết nhà ở cho người lao động. Đặc biệt, cần tiếp tục đàm phán ODA với các tổ chức phát triển quốc tế, kêu gọi, động viên nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Trí

By admin

Nhà ở xã hội: Cầu lớn, cung nhỏ giọt

Nhà ở xã hội: Cầu lớn, cung nhỏ giọt

Sự thiếu hụt về nguồn cung, gói hỗ hỗ trợ tài chính cùng những rối rắm trong thủ tục khi xét mua đang là những rào cản khiến Nhà ở xã hội ngày càng xa tầm với của những người thu nhập thấp đô thị.

Thiếu hụt nghiêm trọng

Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), dân số TP.HCM hiện có khoảng 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số.

Thành phố hiện có hơn 400.000 sinh viên, hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Dự báo, từ nay đến năm 2020 có khoảng 81.000 hộ có nhu cầu về Nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nguồn cung về Nhà ở xã hội hiện nay đang rất hạn chế.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, theo kế hoạch, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ triển khai xây dựng 39 dự án Nhà ở xã hội có quy mô gần 45.000 căn.

Thực tế đến nay đã triển khai được 41 dự án, tăng hơn 1.000 căn hộ so với kế hoạch. Trong số này, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ hoàn thành 14 dự án với gần 10.000 căn. Còn lại 16 dự án sẽ tiếp tục hoàn thành đến năm 2020.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu Nhà ở xã hội của cả nước trong giai đoạn từ năm 2011-2020 khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.HCM khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn… Tuy nhiên đến nay, các địa phương mới đáp ứng được khoảng 30% kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết, nhu cầu về Nhà ở xã hội hiện đang rất lớn, tập trung vào đối tượng thu nhập thấp ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Theo Chiến lược Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong 2 năm tới cần 1 triệu căn nhà ở mới đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, ông Ninh cũng thừa nhận, chính sách Nhà ở xã hội hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Đâu là nguyên nhân?

Nhà ở xã hội là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm tìm kiếm giải pháp an cư cho những người thu nhập thấp. Mặc dù được kỳ vọng rất nhiều, song thực tế chương trình chưa thực sự hấp dẫn được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Tại TP.HCM, Công ty Lê Thành và Địa ốc Hoàng Quân là những doanh nghiệp nổi bật khi triển khai nhiều dự án Nhà ở xã hội. Tuy nhiên, số lượng căn hộ này vẫn quá ít ỏi nếu so với nhu cầu quá lớn của người dân.

Ông Trần Trọng Tuấn nêu ra những khó khăn chương trình Nhà ở xã hội đang gặp phải đó là nguồn vốn dài hạn hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án vay để xây dựng dự án và hỗ trợ người mua Nhà ở xã hội chưa ổn định.

Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện Nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án Nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí là không thực hiện được.

Bên cạnh đó, thủ tục xin thực hiện dự án cũng khiến doanh nghiệp gặp khó. Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính Tiền sử dụng đất, ký quỹ nhà ở thương mại thì các dự án Nhà ở xã hội phải thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê mua…

Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn chuyên đầu tư các dự án Nhà ở xã hội tại TP.HCM chia sẻ, nhiều doanh nghiệp hiện nay không mặn mà đầu tư vào Nhà ở xã hội. Lý do, thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập dự án và xây dựng Nhà ở xã hội tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ đầu tư, trong khi lợi nhuận định mức lại bị khống chế ở mức 10% và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không được tự quyết định về giá bán khiến cho chủ đầu tư không muốn tham gia vào thị trường kém hấp dẫn này.

Ngoài ra, các chính sách ưu đãi Nhà ở xã hội chưa đủ sức bật, các gói ưu đãi về tín dụng chủ yếu và có tính quyết định thì lại không được duy trì thường xuyên và có định hướng rõ ràng. Cụ thể việc kết thúc gói 30.000 tỷ nhưng các gói hỗ trợ tiếp theo vẫn chưa được triển khai khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, để giải được bài toán Nhà ở xã hội cần tháo gỡ khó khăn của người mua và chủ đầu tư hiên nay. Về phía người mua, nên thống nhất những quy định về lãi suất cho vay cũng như thời hạn được vay mua Nhà ở xã hội.

Đối với các doanh nghiệp, cần xem xét lại các quy định pháp luật khi thực hiện đầu tư dự án Nhà ở xã hội. Rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, là các chương trình tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội.

By admin

CHƯƠNG TRÌNH THIỆN NGUYỆN “MÙA XUÂN NHÂN ÁI” CỦA CÔNG TY TANIMEX TẠI TỈNH GIA LAI

CHƯƠNG TRÌNH THIỆN NGUYỆN “MÙA XUÂN NHÂN ÁI” CỦA CÔNG TY TANIMEX TẠI TỈNH GIA LAI

Ngày 29/12/2018 Đoàn công tác xã hội Công ty Tanimex phối hợp Hội chữ thập đỏ quận Tân Phú và Hội chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai cùng chung tay thực hiện chương trình thiện nguyện “Mùa Xuân Nhân Ái” đến với các em học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên có hoàn cảnh khó khăn tại 2 xã Chư Drăng và xã Uar huyện Drông Pa tỉnh Gia Lai.

Ô.Nguyễn Minh Tâm -Chủ tịch HĐQT phát biểu tại buổi lễ

Chương trình thiện nguyện với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng bao gồm các hoạt động thăm khám sức khoẻ, phát thuốc, tặng quà và trao dụng cụ hoc tập cho 300 hộ nghèo, 200 suất học bổng cho học sinh.

Đoàn Bác Sĩ khám sức khoẻ và phát thuốc cho bà con

Với tâm niệm “Tình cảm cho đi, hạnh phúc sẽ đong đầy” Công ty Tanimex luôn mong muốn đóng góp một phần nhỏ của mình cho hoạt động xã hội, cùng chìa bàn tay nhân ái giúp đỡ những người kém may mắn, gánh chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống mang đến cho họ niềm tin về những giá trị tốt đẹp, đồng thời động viên họ tiếp tục mạnh mẽ vượt lên số phận để tìm những cơ hội phát triển một tương lai tốt đẹp hơn.

Ô. Trần Quang Trường – TGĐ Công ty Tanimex trao sec quà cho 2 xã Chư Drăng và Uar

Đại diện Đoàn công tác xã hội tặng quà cho bà con

Cám ơn chương trình “Mùa Xuân Nhân Ái” , cám ơn những mạnh thường quân, các nhà tài trợ như: Vietcombank chi nhánh Tân Bình, Hội Doanh nghiệp và Thầy Thuốc và Công ty Cát Tường, Công ty TNHH Vi Tính Tân Tạo, Công ty Cao Lợi Hưng, Công ty Logistic H-A, Công ty Minh Phát , Công Tanicons, Công ty Taniservice, Công ty Tanimedi đã luôn đồng hành với công ty Tanimex mang đến sự ấp áp tình người trong mùa xuân này.

Lãnh đạo công ty Tanimex tặng quà và chụp hình lưu niệm với Lãnh đạo địa phương

1 2 3 4
Cá nhân và doanh nghiệp bất động sản câu kết nhau bán ‘dự án vịt trời’?
lễ khởi công chung cư bình phú
Nhà ở xã hội chung cư Bình Phú: Xóa bỏ tư duy bao cấp
Mua nhà xã hội mất tiền chênh 500 triệu đồng: Cò quay siết tiền khách mua
Thủ tướng phê duyệt lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội năm 2019 ở mức 5%/năm
Nhà ở xã hội: Điểm nghẽn nguồn vốn khiến cả doanh nghiệp, người dân gặp khó
Bất động sản Nam Sài Gòn
Tìm “mảnh đất cắm dùi” giữa chốn đô thị
ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN NĂM 2018 CÔNG TY TANIMEX
Chiến lược nhà ở xã hội khó về đích
Nhà ở xã hội: Cầu lớn, cung nhỏ giọt
CHƯƠNG TRÌNH THIỆN NGUYỆN “MÙA XUÂN NHÂN ÁI” CỦA CÔNG TY TANIMEX TẠI TỈNH GIA LAI